a.
Chỉ bấy nhiêu thôi, những thông tin về cô gái bí ẩn. Còn nhiều điều hồ nghi! Nhưng suy cho cùng thì
cuộc sống vẫn còn nhiều màu chưa nổi bật và còn bị lãng quên ở đâu đó. Sự thật về cô gái bí ẩn viết bài hát kia có lẽ cũng có màu không nổi bật nên người ta vẫn chưa biết và còn thắc mắc cô ấy là ai.
“Anh có biết nơi nào có thể la hét vào lúc đêm khuya không?”.
Giọng nói phát ra từ ban công đối diện kéo gã ra khỏi vòng xoáy cảm xúc hồi tưởng. Gã ngẩng lên, bối rối. Cô gái đứng đúng cái chỗ mà hôm trước cô đã đứng trong mưa.
Gã không trả lời cô mà chìa chiếc máy bay giấy ra trước mặt: “Của em à?”. “Ồ, không. Không phải em. Có lẽ của… gió”. “Gió ư?” – Gã ngạc nhiên. Còn cô gái cười hiền lành: “Em đùa thôi. Nhưng sự thật là nó không phải của em. Em còn không biết làm sao để gấp một chiếc máy bay nữa là…”.
Một khoảng lặng để gã và cô gái suy nghĩ xem sẽ nói tiếp về đề tài gì. Rồi cô gái lên tiếng trước: “Anh muốn đến thăm Bình Yên Nhỏ không?”. “Bình Yên Nhỏ? Anh tưởng nó chỉ là địa danh tưởng tượng trong một bài hát!?”. “Nó có thực, 100% – cô gái khẳng định – “Anh muốn đến đó không?”. “Muốn”.
Gã trả lời mà không cần phải suy nghĩ hay đắn đo gì. Cô gái có thể chỉ đùa thôi. Có thể như vậy lắm chứ! Nhưng điều gì đó làm gã tin là cô biết, thật sự biết về nơi ấy, cái nơi mà có lẽ đã có một cuộc hẹn hò lãng mạn giữa Họa Sĩ Của Gió và chàng trai cô yêu…
Có thể nào cô gái đang đứng ở ban công kia – cô gái từng mỉm cười với gã trong một đêm mưa – cô gái đã cho gã đi chung một chiếc dù – là họa sĩ của gió?
Đi đi rồi sẽ biết.
Những sắc màu của gió
oOo
Gã đợi cô gái ở cổng. Cô bước ra, khép cổng, rồi ngoái nhìn lại ngôi nhà và cô nói một câu làm gã khó hiểu: “Đã lâu lắm rồi mới trở lại nơi này. Trông nó nhỏ bé quá…”.
Rồi họ cùng đi.
Họ bước song song nhau, khoảng cách đủ xa để những người đi đường không lầm tưởng họ là một đôi tình nhân. Họ nói những mẩu chuyện cỏn con. Gã xen vào đó vài câu chuyện vui để không khí trở nên thư giãn và nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng lại cúi xuống nhìn lòng đường. Xác lá rơi rụng trong cơn mưa ướt mềm. Gã để ý thấy cô gái mang đôi giày vải màu lam. Không dưng trong đầu gã hiện ra một phép so sánh: so với giày của gã, giày của cô trông nhỏ nhắn như giày búp bê.
Họ trò chuyện với nhau suốt cả quãng đường. Nhưng chẳng ai hỏi tên ai. Có những khoảng lặng, đó là lúc cô gái cần nhiều thời gian hơn phần lớn những người khác để tìm từ ngữ thích hợp. Đến khi đi vào một con đường hẹp không lát nhựa chạy ngoằn ngoèo, đặc biệt vắng người và không rõ là nó dẫn đến tận đâu thì gã hỏi: “Mình đang đi đâu nhỉ?”. Cô gái đáp chẳng cần một giây suy nghĩ: “Bình Yên Nhỏ”.
Đó là điều gã đã biết rồi, không phải câu trả lời gã mong đợi. “Ý tôi là Bình Yên Nhỏ nằm ở đâu?” – gã cố gắng diễn đạt rõ nghĩa hơn. “Cuối con đường này” – giọng nàng nghe như có nhiều vết xước.
Sau mưa, đường đọng lại những vũng nước nhỏ in bóng trăng. Họ vẫn bước đều. Những ngọn cỏ lau hai bên đường uốn cong thân mình khi những cơn gió đi ngang qua. Còn chính nó – những cơn gió, lại chẳng để lại chút dáng hình cụ thể nào. Bất ngờ cô gái nói với gã: “
tình yêu giống như một cơn gió. Ta không nhìn thấy được, nhưng vẫn cảm nhận được”. “Em đã yêu chưa mà biết?”. “Chưa. Nhưng chị em nói vậy” -cô trả lời gã một cách thật thà. “Chị?”. “Ừm, vâng. Chị gái em, chị ấy rất đẹp. Chị ấy có khuôn mặt giống như một nữ diễn viên Pháp. Chị ấy say mê thiên văn. Giờ ở nhà em vẫn còn một cái kính thiên văn của chị ấy. Chị em đã tự làm nó khi mười hai tuổi. Mỗi buổi sáng, chị ấy đánh thức em dậy lúc gà gáy để tìm sao Diêm Vương. Vì sao Diêm Vương chỉ xuất hiện vài phút trước khi bình minh lên”. “Chị ấy thích sao Diêm Vương đến vậy ư?”. “Không. Nó có tên của sự chết chóc. Chị ấy bảo thế. Nhưng vì cậu bạn thời tiểu học nói với chị ấy là cậu ta đã viết trên vì sao ấy ba từ quan trọng nên chị ấy muốn tìm sao Diêm Vương để biết là những từ gì”. “Là gì?”. “Không gì cả”. Gã ngẩn người. Một lúc sau gã cười: “Anh hiểu rồi. Những cậu bé biết nói dối không hiếm đâu. Chị em khi đó quả là ngốc nên mới tin điều cậu ta nói”. “Chị em đâu có ngốc. Cậu bạn chị ấy cũng không nói dối. Đơn giản là vì chị em chưa bao giờ nhìn thấy sao Diêm Vương. Kính thiên văn của chị ấy không đủ hiện đại để có thể thấy một ngôi sao khó tìm lại nhanh biến mất”. “Giờ là khoảng thời gian để anh nói gì đó đấy”.
Gã giữ im lặng thêm vài giây nữa, rồi gã cười. Đấy là một nụ cười vô duyên, tự gã biết thế. Vì chuyện cô kể không phải là chuyện có thể cười được.
Đột nhiên trong đầu gã nảy ra một câu hỏi hiếm hoi giữa lúc không biết phải nói gì: “Tại sao chúng ta lại nói chuyện về chị em trong khi đang đi tới Bình Yên Nhỏ?”.”Vì em bỗng dưng thấy nhớ chị ấy”. “Nghĩa là em không gặp chị ấy đã lâu rồi?”.”Vâng. Em không nhớ chính xác là bao lâu. Với em, khoảng thời gian đó dường như dài vô tận”. “Anh có thể hỏi bây giờ chị ấy ở đâu không?”. “Gần đây thôi”. “Ý em là chị ấy sống ở gần Bình Yên Nhỏ sao?” – Gã muốn chắc chắn hơn điều cô vừa nói. “Có thể nói là như vậy”. “Nghĩa là sao?” – Gã hơi bối rối.
“Cách đây… Như em đã nói đấy, em không nhớ chính xác là bao lâu, người yêu chị ấy – chính là cậu bạn thời tiểu học, đột ngột biến mất”. “Biến mất?” – Thêm một sự ngạc nhiên nữa với gã. Cô gái giải thích thêm: “Em không muốn dùng đến từ ngữ đau lòng kia. Nhưng chắc là anh hiểu! Khoảng thời gian đó chị em trở nên buồn bã. Chị ấy bỏ hết những thứ mà trước nay luôn hứng thú, đam mê. Thiên văn, hội họa, âm nhạc… Vậy rồi, một ngày mưa…”.
Nói đến đó cô đưa tay lên lau mắt. Cho đến lúc này gã còn chưa nhận ra là cô khóc, mãi đến khi nghe thấy những tiếng nấc. Gì nhỉ? Gã chẳng biết làm gì. An ủi, gã không giỏi chuyện đó lắm. Nhưng thôi, cứ nói những gì mình nghĩ: “Hôm nay chắc chị ấy vui lắm khi biết em đến thăm”. “Em không nghĩ là chị ấy có thể vui được. Em cũng không hiểu tại sao hôm nay em lại muốn trở lại căn nhà ấy, một nơi có quá nhiều kỷ niệm. Có lẽ em đang trở lại một giấc mơ khờ khạo”. “Bao lâu rồi em không về lại đó, ý anh là ngôi nhà ấy?”. “Khoảng độ hơn một năm”. “Một năm? – Gã hơi giật mình – Nghĩa là căn nhà không có ai ở cả năm nay rồi?”.
“Đúng vậy. Bố mẹ và em chuyển ra ngoại ô. Ở đó yên tĩnh, rất phù hợp với công việc nghiên cứu lịch sử của bố và tư duy hội họa của em. Hơn nữa, vườn ở đó cũng khá rộng để mẹ em có thể trồng những loại rau và hoa mẹ thích”. “Nhưng anh nghĩ là anh đã thấy em trên ban công trong một đêm mưa cách đây khoảng ba tháng. Em còn mỉm cười với anh nữa”. “Gì chứ? Em bảo rồi. Hơn một năm nay, hôm nay là lần đầu tiên em trở lại đó”. “Vậy thì… có thể anh đã thấy chị em ở đó. Chị ấy, vẻ như rất giống em, nhất là nụ cười”. “Đúng là em và chị em rất giống nhau. Nhưng không… – cô nói như thể đó là âm thanh đau lòng nhất cô từng phát ra – “Chị ấy không bao giờ trở lại”.
Bạn đang đọc tác phẩm Những sắc màu của gió từ website java360.wap.sh. Chúc bạn online vui vẻ..