Hàng trăm năm qua, Truyện Kiều vẫn luôn tồn tại trong đời sống của dân tộc Việt. Đây là một trong số ít các tác phẩm lớn được nhiều người dân đủ mọi tầng lớp học thuộc lòng. Vì vậy đối với bài bình luận này, hy vọng nhà thơ Vương Trọng sẽ mang lại hứng thú cho học sinh, sinh viên học văn, thầy giáo, cô giáo dạy văn cũng như bạn đọc mê Truyện Kiều.
1 – Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng.
Đây là lời Thuý Kiều thốt lên sau khi nghe Vương Quan kể chuyện bi thảm của Đạm Tiên bên ngôi mộ “sè sè nấm đất”, “dàu dàu ngọn cỏ”, lạnh lẽo cả trong tiết Thanh minh.
Đạm Tiên trước, Thuý Kiều sau; ca nhi ngàn xưa và “ca-ve” ngày nay có chung một đặc điểm: Đấy là những người con gái tạo hoá ban cho một chút nhan sắc nhưng lại giáng xuống bản thân hoặc gia đình họ những tại hoạ, buộc họ phải gánh chịu, đưa đẩy họ vào chốn lầu xanh, mất quyền làm người, trở thành một món hàng.
Vì có chút nhan sắc nên lắm chàng tìm đến; bởi đã trở thành món hàng nên mình không có quyền chọn lựa mà để người ta cư xử với mình như với một món hàng đã bỏ tiền mua. Câu thành ngữ mới “trả tiền bóc bánh” phần nào nói được thái độ cư xử thô bạo, không chút tình cảm của khách làng chơi đối với các cô gái lầu xanh.
Đời người một kiếp ca nhi chung chạ với bao người đàn ông, biết mặt không biết tên, “mặc người gió Sở mưa Tần”, xong cuộc, họ bỏ đi không để lại dấu vết, chứ có mấy ai được như chàng Thúc “trước còn trăng gió sau ra đá vàng”!
Những đôi lứa yêu nhau chân thành, vì nguyên do nào đó không lấy được nhau, khi chết đi họ còn mang theo cả khối tình xuống chốn tuyền đài. tình yêu là thế, còn tình dục chỉ là sự thoả mãn xác thịt nhất thời, kiếp này chẳng yêu thương, nói chi đến kiếp sau. Cặp lục bát này về hình thức, là sự đối lập giữa lúc sống và sau khi chết. Nhưng sự đối lập ấy chỉ là hình thức, còn thực chất đó là quan hệ nhân quả: khi sống thế thì sau khi chết phải thế!
Trong toán học cao cấp có khái niệm “trù mật khắp nơi” và “không đâu trù mật” để nói về hai cực đối lập của sự phân bố các phần tử của tập hợp. Ở đây, hình như Đại thi hào vô hình trung cũng sử dụng khái niệm ấy để nói về “sự phân bố chồng” của kiếp ca nhi ở cõi dương và ở cõi âm: khi sống thì ở đâu cũng có chồng, bất cứ người đàn ông nào cũng có thể là chồng, còn chết rồi thì ngược lại: không có một ai.
Nói “làm ma không chồng” là dự đoán sự cô quạnh khi mình ở cõi âm từ thực tế của kiếp này. Sự thật nghịch lý và bi kịch của kiếp ca nhi chẳng cần đợi đến khi đã “thành ma”, chẳng cần đợi kiếp sau, mà ngay ở kiếp này: Khi mình còn nhan sắc thì “xôn xao ngoài ngõ thiếu gì yến anh”, đến khi đau yếu, bệnh tật thì không kẻ đoái hoài, chết một mình một góc, đâu phải chỉ một Đạm Tiên? “Sống làm vợ khắp người ta” đã nhục, đã khổ lắm rồi, người ca nhi nào cũng chung ý nghĩ “cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”, cho hết thời trẻ trung, cho hết cuộc đời, tưởng khi mình chết đi thì mới được thanh thản.
Nhưng không, sự sỉ nhục của kiếp phong trần không chỉ dừng lại trần thế, mà còn theo về cõi âm với một biến tướng mới, về hình thức tưởng như ngược lại những gì ca nhi đã trải, nhưng không hề mang lại niềm vui mà chỉ chuốc lấy nỗi bất hạnh mới thật tệ hại: làm ma không chồng!
“Sống làm vợ khắp người ta”! Chữ “khắp” mới thật tài tình, hàm chứa sự xô bồ, không hề có sự chọn lựa.Thông thường chữ khắp thường đặt trước một danh từ chỉ nơi chốn: khắp chợ, khắp đồng, khắp làng, khắp nước… Ở đây Nguyễn Du đã thay đổi cách sử dụng quen thuộc đó, mạnh dạn đặt sau chữ khắp hai chữ người ta thật mới mẻ và bất ngờ. Khắp người ta: không loại trừ một loại người nào.
Có soạn giả Truyện Kiều không tán thành khái niệm vợ, chồng đối với các cô gái lầu xanh vì vợ chồng thì phải có hôn thú (!) nên muốn đề nghị đổi chữ khắp thành chữ chắp: vợ chắp người ta! với lý luận rằng cô gái lầu xanh chỉ là vợ chắp, chứ không thể là vợ của khách làng chơi được!
Về luật pháp thì phần nào soạn giả này có lý, nhưng đối với việc thẩm định Truyện Kiều nói riêng và thưởng thức thi ca nói chung thì, ý kiến ấy xem ra quá cứng nhắc, khó thuyết phục được ai.
Bình luận một số câu thơ trong Truyện Kiều
Nguyễn Du không đợi giấy hôn thú để chỉ khái niệm vợ chồng ở chốn thanh lâu, mà sử dụng đặc trưng lớn nhất của vợ chồng là chuyện chăn gối. Đó là chưa kể ở chốn thanh lâu người ta vẫn quen xưng “chàng chàng, thiếp thiếp” Chàngchàngthiếpthiếpvuibằngđược ngày xưa và “vợ vợ, chồng chồng” ngày nay, mà ai cũng hiểu rằng “chàng thiếp”, “vợ chồng” ở đây khác xa khái niệm vợ chồng truyền thống. Phải chăng cặp lục bát này đã phơi bày bi kịch lớn nhất của kiếp ca nhi?
2 – Một mình lưỡng lự canh chầy
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.
Ngày đi chơi Thanh minh gặp mộ Đạm Tiên, đêm Đạm Tiên báo mộng cho biết mình có tên trong sổ đoạn trường, Thuý Kiều “trằn trọc canh khuya”, sụt sùi kinh hãi cho cuộc đời sau này của mình. Trước đó, bên mộ Đạm Tiên, sau khi nghe Vương Quan kể về bi kịch của cô ca kỹ này, Thuý Kiều đã vận vào mình “thấy người nằm đó biết sau thế nào”. Định mệnh là tư tưởng quán xuyến trong Truyện Kiều. Có người dẫn câu “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” để kết luận Nguyễn Du chống lại tư tưởng định mệnh, mà quên rằng câu trích kia không phải là lời tác giả Truyện Kiều, mà là lời của chàng Kim nói lại khi thấy Thuý Kiều quá tin vào tướng, số.
Còn cụ Nguyễn Du thì sao? “Cho hay muôn sự tại trời” là kết luận Truyện Kiều cũng là nói lên nhận thức của tác giả. Nhưng trong Truyện Kiều, người tin vào tiền định, vào định mệnh mà bạn đọc dễ nhận biết nhất chính là Thuý Kiều. Cảm thương kiếp Đạm Tiên, đâu chỉ là tình thương đối với người ca nhi bạc mệnh, mà chính Thuý Kiều thương cho mình vì quá khứ của Đạm Tiên chính là “nỗi sau này” của Thuý Kiều.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng hơn 60 lần chữ nỗi, ngoài những kết hợp quen thuộc như nỗi lòng, nỗi riêng, nỗi niềm, nỗi quê …còn có những kết hợp hết sức mới mẻ như nỗi đêm, nỗi ngày (nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung), đặc biệt ý nghĩa chữ nỗi được mở rộng ra với “nỗi dọc đường”, và ở đây là “nỗi sau này”. Trong cái đêm “trằn trọc canh khuya”, “lưỡng lự canh chầy”, “nỗi sau này” của Thuý Kiều chưa hề cụ thể, mà chỉ từ cuộc đời của Đạm Tiên mà suy ra cho thân phận của mình. “Nỗi sau này” là nói về điều kinh hãi đang bày sẵn ở phía tương lai, và khi trở thành thực tại thì đó là “Hết nạn nọ, đến nạn kia / Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần / Trong vòng giáo dựng gươm trần / Kề răng hùm sói gửi thân tôi đòi…” như lời sư Tam Hợp đã tổng kết lại. Ở đây sự kinh sợ “nỗi sau này” của Thuý Kiều được tác giả đồng cảm, và diễn biến của phần lớn Truyện Kiều như cốt để chững minh cho “nỗi sau này” đó đáng sợ đến dường nào.
3- Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.<