2. Về đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây
Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây thuộc phần giữa của tác phẩm: Sau khi về làm chồng hai chị em tù trưởng Hơ Nhị và Hơ Bhị, Đam Săn trở nên một tù trưởng giàu có và uy danh lừng lẫy. Các tù trưởng Kên Kên(Mtao Grứ) và tù trưởng Sắt (Mtao Mxây) lừa lúc Đam Săn cùng các nô lệ lên rẫy, ra sông lao động sản xuất đã kéo người tới cướp phá buôn làng của chàng và bắt Hơ Nhị về làm vợ. Cả hai lần ấy Đam Săn đều tổ chức đánh trả và chiến thắng, vừa cứu được vợ lại vừa sáp nhập được đất đai, của cải của kẻ địch khiến cho oai danh của chàng càng lừng lẫy, bộ tộc càng giàu có và đông đúc hơn.
Đoạn trích ngợi ca cuộc chiến đấu của Đam Săn. Đó là cuộc chiến đấu vì danh dự, vì hạnh phúc gia đình và hơn nữa vì cuộc sống bình yên và sự phồn vinh của thị tộc. Đoạn trích này tiêu biểu cho những đặc trưng của thể loại sử thi anh hùng.
II. RÈN KĨ NĂNG
1. Tóm tắt diễn biến trận đánh theo đúng trật tự của các tình tiết và sự kiện
a) Đam Săn đến nhà Mtao Mxây khiêu chiến nhưng Mtao Mxây còn bỡn cợt chàng mà chưa chịu giao chiến ngay.
b) Bước vào cuộc chiến :
- Hiệp đấu thứ nhất
+ Hai bên lần lượt múa khiên.
l Mtao Mxây múa trước: tỏ ra yếu ớt và kém cỏi
l Đam Săn múa khiên: tỏ ra mạnh mẽ, tài giỏi hơn
+ Kết quả hiệp đấu: Mtao Mxây chạy khắp nơi để tránh đường khiên Đam Săn múa.
- Hiệp đấu thứ hai
+ Đam Săn múa khiên: sức mạnh như gió bão. Cây giáo đâm liên tiếp Mtao Mxây nhưng không thủng.
+ Kết quả
l Đam Săn nhờ sự giúp đỡ của Ông Trời đã cắt được đầu của Mtao Mxây.
l Dân làng Mtao Mxây nhất loạt theo Đam Săn về ngôi làng mới.
2. Cuộc chiến giữa Đam Săn và Mtao Mxây là cuộc chiến tranh mang tính chất thống nhất cộng đồng. Nó không phải là một cuộc chiến tranh xâm lược nhằm mục đích tàn sát, cướp bóc và chiếm giữ. Chính vì thế mà thái độ của nô lệ ở cả hai phía đối với việc thắng thua của hai tù trưởng cũng có những nét riêng:
- Ở phía Mtao Mxây: Sau khi tù trưởng của mình thất bại, đông đảo nô lệ đều tâm phục và nghe theo lời vị tù trưởng mạnh hơn (“không đi sao được!… người nhà giàu cầm đầu chúng tôi nay đã không còn nữa”).Thái độ và hành động của đoàn người này chứng tỏ họ luôn mơ ước được trở thành một tập thể giàu có và hùng mạnh.Họ luôn mơ ước có được một người lãnh đạo dũng cảm, tài ba.
- Ở phía Đam Săn: Dân làng tưng bừng náo nhiệt chào đón vị anh hùng của mình mới chiến thắng trở về. Họ đi lại sửa soạn vui mừng tấp nập không chỉ để mừng buôn sóc được mở mang, được hùng mạnh và giàu có mà còn để tiếp đón những người nô lệ mới bằng sự chân thành và hoà hợp (“… Các chàng trai đi lại ngực đụng ngực. Các cô gái đi lại vú đụng vú. Cảnh làng một tù trưỏng nhà giàu trông sao mà vui thế!”).
3. Đoạn trích tuy miêu tả cuộc chiến tranh giữa các thị tộc trong thời nguyên thuỷ, thế nhưng lại không chú trọng miêu tả cảnh chết chóc đau thương. Trái lại, tác giả dân gian chủ yếu miêu tả cảnh chiến thắng tưng bừng của phía Đam Săn. Cuộc chiến dừng lại khi Mtao Mxây thất bại. Thế nhưng sự thất bại của Mtao Mxây không làm cho dân làng lo sợ, hoang mang. Họ ngay lập tức theo về phía Đam Săn, hoà nhập với cuộc đồng mới một cách rất tự nhiên. Dân làng của Đam Săn cũng vậy, họ đón tiếp những người bạn mới rất chân tình. Không khí của buổi tiệc sau chiến thắng từng bừng náo nhiệt vui say không hề có một chút gợn nào. Lựa chọn cách thể hiện nghệ thuật này, tác giả dân gian đã nhận ra tính tất yếu của cuộc chiến tranh thị tộc – đó là cuộc chiến tranh không kìm hãm sự phát triểu của xã hội Ê-đê, mà trái lại, nó giúp những tập thể lẽ tẻ, rời rạc tập hợp thành những tập thể lớn hơn, mạnh hơn. Và cũng chỉ như vậy, họ mới trở thành một dân tộc trưởng thành thực sự. Cách lựa chọn để hiện nghệ thuật ấy cũng là cách để dân gian ngợi ca tâm vóc và sứ mệnh lịch sử của người anh hùng. Chỉ có những con người u tú của thời đại như vậy mới đủ sức đứng lên thống nhất các thị tộc nhỏ lẻ lại với nhau, gom những thị tộc ấy lại thành một cộng đồng lớn mạnh và giàu có.
4. Trong đoạn trích này, kiểu câu được dùng nhiều nhất là kiểu câu có sử dụng biện pháp so sánh, ví von. Những câu ấy, hoặc chứa biện pháp so sánh kiểu tương đồng (chàng múa trên cao, gió như bão; chàng múa dưới thấp, gió như lốc; đoàn người đông như bầy cà tong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối…), hoặc so sánh kiểu tăng cấp (Đam Săn múa khiên), cũng có trường hợp so sánh kiểu tương phản (đối lập giữa cảnh múa khiên của Đam Săn và Mtao Mxây). Những câu văn theo kiểu đòn bẩy này có giá trị rất lớn trong việc miêu tả nhân vật người anh hùng. Nó khẳng định và nâng bổng lên tài năng, sức mạnh của Đam Săn – người anh hùng uy danh lừng lẫy làm mờ đi cả sự giàu có và sức mạnh của kẻ thù.
Cần lưu ý thêm, nếu chúng ta tiến hành phân loại thì có thể thấy rất rõ ràng: các hình ảnh, sự vật được đem ra để so sánh ở đây đều lấy ra từ thế giới tự nhiên, từ vũ trụ. Như thế hàm ý của tác giả là muốn lấy vũ trụ để “đo” kích cỡ, tầm vóc của nhân vật anh hùng. Thủ pháp nghệ thuật này là một thủ pháp quen thuộc của sử thi. Nó giúp mang lại những giá trị thẩm mỹ rất đặc trưng cho thể loại này: đặc trưng về sự trang trọng, hoành tráng và dữ dội.
5. Sự xuất hiện của Ông Trời (thần linh) và việc can thiệp của Ông Trời vào chiến thắng của Đam Săn chứng tỏ ở thời kì ấy, con người và thần linh gắn bó mật thiết với nhau. Hay nói cách khác, nó là dấu vết của tư duy thần thoại trong sử thi, dấu vết của một xã hội chưa có sự phân hóa giai cấp rạch ròi. Tuy nhiên cũng từ câu chuyện này có thể nhận thấy, dù có can thiệp vào công việc của con người nhưng thần linh chỉ đóng vai trò là người “cố vấn”, “gợi ý” hành động chứ không phải là người quyết định tối cao kết quả của cuộc chiến. Như vậy trong mối quan hệ với các thần, người anh hùng vẫn giữ được vai trò quyết định và có tính độc lập riêng. Sắp đặt câu chuyện theo kiểu như vậy cũng là một hình thức đề cao vai trò của nhân vật anh hùng, đề cao tinh thần dân chủ của thời thị tộc cổ xưa.