Nếu mai là biểu tượng của mùa xuân phương Nam thì ở xứ Bắc, loài hoa vinh dự được chọn là hoa đào.
Cây đào có tên khoa học là Prunus persica. Cây đào chỉ có thể sống tốt trong một khu vực tương đối hạn chế, do chúng có các yêu cầu về độ lạnh mà các khu vực cận nhiệt đới khó có thể phù hợp, tuy nhiên chúng cũng chịu rét rất kém. Loài cây này có thể chịu được lạnh từ khoảng -26 °C tới -30 °C. Các chồi hoa thường bị chết đi ở khoảng nhiệt độ từ -15 °C đến -25 °C, phụ thuộc vào khoảng thời gian rét. Một vài giống thì dễ nhạy cảm với lạnh hơn trong khi các giống khác có thể chịu được nhiệt độ thấp hơn (vài độ). Ngoài ra, nó cần nhiều nhiệt trong mùa hè để quả có thể chín được, điều này có nghĩa là nhiệt độ cao nhất trong mùa hè có thể nằm trong khoảng 20 °C – 30 °C. Đào cần được trồng ở nơi có nhiều ánh nắng, với sự thông thoáng gió tốt. Điều này cho phép không khí lạnh bị thổi đi vào những đêm sương giá và giữ cho khu vực được mát mẻ vào mùa hè.
Tổ tiên ta thuở bình minh dựng nước trên đất Bắc, khi chọn hoa đào để làm thú tiêu khiển trong ba ngày tết, chắc hẳn đã nghĩ tới màu đỏ thắm rực rỡ của đào giống như viễn ảnh của một năm mới sắp tới cũng trong sáng đẹp đẽ như màu hoa. Sau những ngày đông giá lạnh, sắc hồng của đào như sưởi ấm lòng người và vạn vật. Dưới mưa xuân, những cây đào bích, đào phai càng quyến rũ hơn, giống như khuôn mặt yêu kiều của một cô gái được che phủ mờ mờ bởi một tấm khăn voan mỏng manh. Việc miền Bắc chơi đào, trong khi miền Nam chơi mai trong dịp Tết được giải thích là sau khi mở rộng bờ cõi về phương Nam vốn có khí hậu nóng hơn không thích hợp với việc trồng đào, mỗi khi Tết đến, những người đi mở đất nhớ đến cành đào ngoài Bắc nhưng không thể có được đã chọn mai (một cây hoa rất phổ biến ở trong Nam, đẹp, nhiều hoa lại nở đúng mùa Tết) để thay thế.
Nếu ngày Tết mà thiếu hoa đào thì thiếu hẳn hương sắc mùa xuân. Mỗi dịp Tết đến xuân về, đào nở rộ như nhắc chúng ta nghĩ về gia đình, về một năm cũ đã qua…