nói, và đảo mắt nhìn quanh, thấy đằng góc nhà con Tủn và con Tí sún đưa tay bụm miệng cố nén cười.
- Cái con nhóc sún răng kia! Cười cái gì! - Hải cò lừ mắt nhìn con Tí sún - Mày nấu cơm xong chưa mà đứng đó nhe răng sún ra cười hả?
Con Tí sún lễ phép:
- Dạ, con đã dọn cơm rồi. Mời ba mẹ và anh Hai ăn cơm.
- Mày có điên không vậy con! - Hải cò giơ hai tay lên trời - Đến giờ cơm là ngồi vô ăn, chỉ có kẻ không được giáo dục đến nơi đến chốn mới làm như vậy, hiểu chưa?
- - Dạ, chưa hiểu. - Con Tí sún thật thà - Chứ kẻ có giáo dục thì đến giờ cơm họ làm gì hả ba?
- Họ đi chơi chứ làm gì. - Hải cò khoa tay như một diễn giả - Họ đi bơi, họ chơi bi-da, họ câu cá, họ chơi rượt bắt hoặc đánh nhau, nói chung họ có thể làm bất cứ chuyện gì để người khác phải đợi cơm, trừ cái chuỵên hết sứ vô văn hoá là ngồi vô bàn ăn.
Con Tủn tỉnh bơ đế vô:
- Ba con nói đúng đó con. Chỉ có bọn hư hỏng mới ăn cơm đúng giờ thôi!
***
Lúc đầu, tôi tưởng chỉ có mình tôi khoái cái trò điên điên này. Hoá ra đứa nào cũng khoái. Trong bọn, con Tí sún là đứa hiền lành và chậm chạp nhất nhưng qua đến ngày thứ 3, nó cũng kịp thích ứng với hoàn cảnh bằng cách chỉnh thẳng Hải cò ra trận khi tới lượt nó làm mẹ.
2 lần 4 là mấy?
- Dạ, là 8.
Con Tí sún không quát tháo om sòm như tôi và Hải cò, nhưng mặt nó trông thật thiểu não:
- Sao lại là 8 hả con? Thật uổng công mẹ cho con ăn học!
Hải cò chớp mắt:
- Chứ là mấy?
- Là mấy cũng được nhưng không phải là 8.
- Mẹ ơi, theo bản cửu chương thì 2 lần 4 là 8.
- Mày là con vẹt hả? Bản cửu chương bảo gì mày nghe nấy là sao? Thế mày không có cái đầu à?
Hải cò sờ tay lên đầu, hối hận:
- Con đúng là một đứa không có đầu óc. Lần sau con sẽ không nghe theo bất cứ ai nữa, dù đó là bản cửu chương hay thầy cô giáo. Con hứa với mẹ con sẽ tự suy cái đầu của con.
Câu nói của Hải cò được coi như tuyên bố chung của cả bọn, kết thúc một thời kỳ tăm tối chỉ biết sống dựa vào sự bảo ban của người khác. Ôi,
cuộc sống kể từ lúc đó mới thật đáng sống làm sao!
Nhưng như người ta thường nói "niềm vui ngắn chẳng tày gang": vào cái ngày Hải cò mang bộ mặt ủ ê đến gặp tôi, chúng tôi chợt nhận ra
cuộc sống vẫn xám xịt như thể xưa nay một năm vẫncó tới bốn mùa đông.
- Mày sao thế? Mới bị ăn đòn à? - Tôi tò mò hỏi.
- Ừ. Vì cái tội dám bảo chỉ có đứa đần độn mới giữ gìn tập vở sạch sẽ.
Con Tí sún xuất hiện với bộ mặt thảm sầu:
- Còn mình bị ba mình phạt vì khăng khăng 3 lần 5 không phải là 15.
Con Tủn góp vào hai hàng nước mắt và tiếng thút thít:
- Còn mình thì mặc cho ba mẹ kêu khản cả cổ, mình nhất định không chạy về ăn trưa.
Tôi lướt mắt nhìn ba đứa bạn, lặng lẽ thở dài.
Tôi tập tành làm nhà cách mạng bé con, chán nản khi không thay đổi được thế giới, đã thế còn làm vạ lây cho người khác.
Cho nên tôi không ủ ê, không thảm sầu, không thút thít và rưng rưng hai hàng nước mắt.
Nỗi đ3au của tôi lặn vào bên trong. Nó sâu sắc hơn, ít nhất là bằng nỗi đau của ba đứa bạn cộng lại.
Vì ngày hôm qua tôi bị ăn đòn vì phạm cùng lúc cả ba tội trên kia.
Rốt cuộc, sau những thương tích tâm hồn lẫn thể xác, chúng tôi buộc phải chấp nhận không nên nghĩ khác bản cửu chương in ở đằng sau mỗi cuốn tập. Nếu muốn thay đổi chúng tôi đành phải chờ đến lúc thành tài, tức là lúc đã trở thành những nhà toán học nổi tiếng thế giới, lúc đó chúng tôi sẽ soạn một bản cửu chương theo ý mình.
Trong khi chờ đợi (ôi, lâu quá!), tôi, Hải cò, con Tủn và con Tí sún buộc phải đồng ý trong đớn đau rằng 2 lần 4 là 8, cũng như 3 lần 5 là 15.
Với thái độ đầu hàng nhục nhã đó, chúng tôi nhanh chóng trở lại là những đứa con ngoan trong mắt ba mẹ, nghĩa là coi chuyện giữ gìn tập vở là thiêng liêng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, cũng như buộc phải thừa nhận rằng một đứa trẻ siêng học dứt khoát không phải là một đứa trẻ hư hỏng.
cuộc sống lại quay lại đường ray cũ kỹ của nó và đời tôi lại có nguy cơ mòn mỏi theo nhịp sống đơn điệu kể từ khi tôi được sinh ra.
Làm thế nào bây giờ nhỉ? Tôi nghĩ, nghĩ mãi, và nhờ thượng đế phù hộ cuối cùng tôi cũng nghĩ ra lối thoát.
- Này, tụi mày! - Nhà cách mạng tập hợp đám tàn binh của mình lại - Kể từ hôm nay, tụi mình không gọi con gà là con gà, con chim là con chim, cuốn tập là cuốn tập, cây viết là cây viết nữa...
Con Tí sún ngẩn ngơ:
- Thế gọi bằng gì?
- Gọi bằng gì cũng được, miễn là không gọi như cũ!
Hải cò nheo mắt:
- Thế gọi cái nón là cuốn tập, cái đầu là cái chân được không?
- Được. - Tôi hừ mũi - Mày muốn gọi cái đầu là cái mông cũng được.
Con Tủn thắc mắc:
- Nhưng tại sao lại làm thế?
Năm đó, tức vào năm tám tuổi, tôi chưa biết rằng trong công thức 5W mà người phương Tây dùng như một công cụ để khám phá sự thật, gồm "What - Who - Where - When - Why" mà người Việt chúng ta vẫn dịch là "Cái gì - Ai - Ở đâu - Khi nào - Tại sao" thì câu hỏi "Tại sao" bao giờ cũng là câu hỏi sâu sắc nhất, có tính bản chất nhất, và dĩ nhiên là khó trả lời nhất. So với bốn câu hỏi còn lại, câu hỏi bắt đầu bằng hai chữ "Tại sao" quan trọng hơn hẳn.
Hồi bé, hẳn là bạn cũng có hằng hà những câu hỏi "tại sao" khiến ba mẹ bạn vô cùng bối rối.
Tại sao khi mưa trời lại có sấm sét?
Tại sao tóc chỉ mọc ở trên đầu?
Tại sao chúng ta lại ăn Tết?
Tại sao đường lại ngọt còn muối thì mặn?
Tại sao máu có màu đỏ?
Tại sao con cò khi ngủ lại co một chân?
Tại sao đàn ông có vú?
Tại sao trái đất quay quanh mặt trời?
Chúng ta, nói một cách chính xác là bọn nhóc tì chúng ta, đã đi từ thắc mắc đơn giản nhất đến thắc mắc phức tạp nhất, trong đó có những câu hỏi mà nếu không phải là một nhà khoa học giỏi giang thì không thể giải thích thấu đáo được. Ba mẹ chúng ta hồi đó (chúng ta bây giờ đôi khi cũng vậy) thường tìm cách lảng sang chuyện khác hoặc không nhịn được mà nổi khùng lên với đám con cái chẳng qua vì họ tự giận mình không phải là nhà khoa học giỏi giang đó thôi.
Nhưng đến những câu hỏi kiểu như "Tại sao chúng ta được sinh ra?", "Tại sao chúng ta phải sống?", "Tại sao chúng ta phải chết?", thì các nhà khoa học cũng bó tay. Những thắc mắc lúc này đã trở nên siêu hình và bắt đầu đặt chân vào lãnh vực của triết học. Thái tử Tất Đạt Đa từng đi tìm lời giải đáp cho vấn nạn cơ bản này - nhằm giải mã ý nghĩa của sự tồn tại, để cuối cùng trở thành một nhà khai sáng thuộc loại vĩ đại bậc nhất thế giới dưới cái tên Thích Ca Mâu Ni.
Ôi, tôi lại huyên thuyên nữa rồi. Nhưng tất cả cũng là do con Tí sún. Nó hỏi tôi "tại sao" - một câu hỏi mang mầm mống triết học. Để nỗ lực trả lời một câu hỏi mang mầm mống triết học, bất cứ ai cũng có thể trở thành triết gia, cho dù người đó không cố ý và chỉ mới có tám tuổi.
Tôi thao thao, mặt đỏ gay:
- Tại sao lại làm thế à? Tại vì tụi mình cần phải chứng tỏ tụi mình có giá trị riêng. Tụi mình không thích tuân thủ theo sự sắp đặt của người khác. Tại sao phải gọi con chó là con chó? Hừ, con chó là con chó, điều đó chẳng có ý nghĩa gì hết. Nếu người đầu tiên gọi con chó là cái bàn ủi thì bây giờ chúng
Bạn đang đọc tác phẩm CHO TÔI XIN MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ từ website java360.wap.sh. Chúc bạn online vui vẻ..